Động cơ Servo (Servo Motor) là gì? Cấu tạo và nguyên lý hoạt động từ A-> Z

Động cơ Servo là gì?” hay “Servo là gì?” là câu hỏi thường gặp khi tiếp cận với các dây chuyền tự động hóa có độ chính xác cao. Trong hệ thống và dây chuyền sản xuất tự động hóa ngày nay đều cần có Servo. Nhất là trong ứng dụng đặc thù như những dây chuyền sản xuất, cắt, in vật liệu… Sử dụng động cơ Servo sẽ là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa đạt hiệu quả cao nhất.

Để giải đáp cho bạn câu hỏi: Động cơ Servo là gì? Servo là gì? Cấu tạo, ứng dụng và nguyên lý hoạt động của chúng như thế nào? Xin mời bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây để tìm câu trả lời bạn nhé!

1. Động cơ Servo (Servo Motor) là gì?

Động cơ servo (Servo Motor) là tên gọi chung của một cơ cấu truyền động có phản hồi bao gồm:

  • Động cơ điện thường là loại động cơ nam châm vĩnh cửu – động cơ PM được lựa chọn phổ biến vì cho tốc độ quay cao và độ ổn định momen lớn hơn khi so với các loại động cơ khác như động cơ IM hoặc động cơ DC.
  • Bộ phản hồi tốc độ động cơ hay gọi là encoder cung cấp thông tin về tốc độ và vị trí thực tế của động cơ và được gắn đồng trục ở phần đuôi của động cơ và đưa chân tín hiệu ra bên ngoài.

Để điều khiển chính xác được động cơ Servo chúng ta cần một bộ điều khiển hay còn gọi là servo driver đi theo bộ với động cơ Servo. Với mỗi nhà sản xuất Servo thì bộ Servo Driver là riêng biệt phân chia theo các công suất của động cơ Servo tương ứng và không thể dùng lẫn lộn các cấp công suất với nhau cũng như là dùng Servo Driver khác nhà sản xuất với động cơ Servo đang sử dụng. Nhiệm vụ chính của bộ Servo Driver là điều khiển điện áp, tần số và dòng điện cấp cho động cơ Servo đồng thời theo dõi các phản hồi về tốc độ và vị trí thực tế qua bộ Encoder gắn ở đuôi trục. Thông qua phản hồi này, bộ điều khiển điều chỉnh tín hiệu điều khiển để đạt được vị trí hoặc chuyển động mục tiêu.

Điểm mạnh của động cơ servo là khả năng đáp ứng chính xác và linh hoạt theo tín hiệu điều khiển, giúp đạt được độ chính xác cao trong các ứng dụng điều khiển chuyển động.

Phân loại động cơ Servo:

Gồm có 02 loại phân loại theo kiểu động cơ được sử dụng bao gồm: AC ServoDC Servo.

AC Servo và DC Servo
AC Servo và DC Servo

+ AC Servo: Hiểu là sử dụng động cơ xoay chiều để tạo ra momen quay trong hệ truyền động Servo. Chúng được chia nhỏ hơn thành AC Servo với động cơ PM và động cơ IM, trong đó động cơ PM được ưa chuộng hơn cả bởi tốc độ cao, momen ở  mức ổn định hơn nhưng việc điều khiển sẽ khó khăn hơn so với động cơ IM. Tuy nhiên chi phí sửa chữa hay bảo dưỡng của hệ AC Servo dùng động cơ PM sẽ cao hơn nhiều so với động cơ IM.

+ DC Servo: Hiểu là sử dụng động cơ một chiều để tạo ra momen quay trong hệ truyền động Servo. Hệ DC Servo thường là được sử dụng cho các máy thế hệ cũ có công suất nhỏ do có cấu tạo đơn giản dễ chế tạo cung cấp tốc độ quay nhanh và momen lớn trong phân khúc công suất thấp, sử dụng dòng điện DC nên điều khiển dễ dàng hơn. Tuy nhiên với động cơ DC thì cần bảo dưỡng định kỳ cơ cấu chổi than do hao mòn cơ khí vì vậy  tuổi thọ động cơ cũng không được cao.

Động cơ Servo dùng để làm gì?

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và kỹ thuật thì hệ truyền động Servo được sử dụng nhiều nhất trong máy móc công nghiệp là hệ AC Servo dùng động cơ PM vì giá thành chế tạo động cơ đã giảm xuống đáng kể nhờ áp dụng quy trình tự động hóa và vật liệu từ tính mới trong chế tạo Rotor của động cơ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cùng hãng sản xuất trong lĩnh vực tự động hóa không ngừng tối ưu thuật toán điều khiển động cơ đồng bộ để đạt đến độ chính xác điều khiển cao nhất nên hệ  AC Servo dùng động cơ PM được hưởng lợi rất nhiều so với các loại động cơ truyền thống như động cơ IM hay động cơ DC trong ứng dụng điều khiển chính xác cao. Vì thế trong khuôn khổ bài viết này chúng ta chỉ đi sâu vào phân tích hệ Servo sử dụng động cơ PM , cái mà đang thống trị thị trường Servo trong dải công suất nhỏ và trung bình cũng là dải công suất được sử dụng nhiều nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay. 

2. Cấu tạo hệ Servo sử dụng động cơ PM

Một hệ Servo nói chung và hệ Servo dùng động cơ PM nói riêng tiêu chuẩn gồm:

STT  Thành phần
1  Bộ điều khiển Servo – Servo Driver hoặc Amplifier
2  Động cơ là động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu (động cơ PM)
3  Bộ mã hóa (Encoder) gắn ở đuôi động cơ
4  Cáp động lực của động cơ (Motor Cable)
5  Cáp tín hiệu của bộ mã hóa (Encoder Cable )

Bảng: Cấu tạo của động cơ servo

Ngoài ra để điều khiển hệ thống Servo cần thêm HMI và PLC để ra lệnh điều khiển cho thiết bị.

Sơ đồ cấu trúc điều khiển hệ Servo Motor
Sơ đồ cấu trúc điều khiển hệ Servo Motor

Với sơ đồ cấu trúc điều khiển thông thường thì hệ Servo sẽ nhận lệnh từ HMI truyền tới bộ điều khiển PLC và từ PLC sẽ truyền tới bộ Driver hay Amplifier để cho cơ cấu Servo chuyển động.

Cấu tạo chi tiết của một hệ thống truyền động Servo (động cơ PM)

Ta cùng phân tích cấu tạo bộ phận không thể thiếu của một hệ truyền động Servo chính là động cơ, hay trong trường hợp này là động cơ PM. Động cơ PM là tên gọi của một loại động cơ đồng bộ với 2 bộ phận chính gồm:

  • Phần Stato gắn với khung động cơ được quấn dây theo kiểu quấn dải  để đảm bảo sức điện động của động cơ tạo ra có dạng hình Sin, tạo ra từ trường quay khi được cấp điện và được điều khiển bởi Servo Driver đi kèm là quay trục động cơ theo hiện tượng cảm ứng điện từ. 
  • Phần Rotor bao gồm trục động cơ được gắn nam châm vĩnh cửu có mật độ từ trường cao, tổn thất từ trường thấp, có khả năng tái nạp lại từ trường trong quá trình hoạt động. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản nhất trong cấu tạo của động cơ PM so với động cơ IM và động cơ DC mang lại momen quay ổn định trong dải tốc độ định mức của động cơ.
  • Phần ổ bi (vòng bi) được sử dụng để nâng đỡ phần Rotor để có thể quay tròn ổn định theo một trục của nó. 
  • Phần vỏ động cơ để bao bọc và bảo vệ động cơ, chứa đầu nối dây từ các cuộn dây của Stator đưa ra bên ngoài.
Cấu tạo của động cơ Servo
Cấu tạo của động cơ Servo với 8 bộ phận chính

Các loại bộ mã hóa Encoder

Bộ phận quan trọng tiếp theo của hệ Servo là bộ mã hóa Encoder, trên thị trường hiện tại có 2 dạng encoder được sử dụng chính cho các bộ Servo:

  • Encoder tương đối: cấu tạo chuẩn của nó sẽ có 2 đĩa đặt lệch nhau 90 độ, tạo xung A và B. Hoặc là 1 đĩa nhưng bố trí 2 vòng lồng vào nhau lệch nhau 90 độ để tạo xung A và B. Ngoài ra, còn có pha Z để xác định trục động cơ quay hết một vòng cùng các nguồn sáng LED cùng bộ thu phát quang học. Bạn có thể xem hình minh họa sau:
Encoder tương đối
Encoder tương đối
  • Encoder tuyệt đối: Cấu tạo có bộ phát ánh sáng (LED), đĩa mã hóa (có chứa dải băng mang tín hiệu), một bộ thu ánh sáng nhạy với ánh sáng phát ra khá tương đồng với encoder tương đối. Tuy nhiên phần đĩa mã hóa ở Encoder tuyệt đối được bố trí dày đặc ứng với từng bit của độ phân giải và chế tạo từ vật liệu trong suốt, người ta đã chia mặt đĩa thành các góc đều nhau cùng các đường tròn đồng tâm.
Encoder tương đối
Encoder tương đối

Cùng với sự phát triển của động cơ thì encoder cũng là bộ phận được cải tiến liên tục theo thời gian khi độ phân giải encoder được gắn lên trục động cơ ngày càng cao (từ 17 bit đến 23bit) đem lại độ phản hồi vị trí sai lệch là ít nhất đáp ứng cho ứng dụng như robot hay CNC. Với các độ phân giải lớn hơn công nghệ thu phát quang học được thay thế bằng công nghệ bắt điểm cực từ (thay thế việc đục lỗ thành các điểm gắn nam châm cực nhỏ) giảm thiểu sai sót cơ khí trong chế tạo. Với encoder tuyệt đối cho phép lưu trữ vị trí của hệ thống sử dụng pin cho phép hệ thống thiết lập hệ tọa độ chuẩn và định vị vị trí hiện tại của cơ cấu phục vụ tuy nhiên giá thành khá cao. Ở Việt Nam vẫn ưa chuộng các bộ Encoder tương đối đáp ứng vừa đủ nhu cầu điều khiển nói chung với giá thành rẻ hơn.

Việc kết nối giữa bộ Driver hay Amplifier với động cơ và encoder được sử dụng qua cáp động lực (motor cable)cáp bộ mã hóa (encoder cable)

Đối với các động lực thường gồm 4 dây U,V,W và PE để lần lượt kết nối 3 đầu dây của động cơ và 1 chân nối đất. Tùy thuộc vào nhà sản xuất mà với động cơ có tích hợp phanh ta cần cáp phanh riêng (có 2 dây) hoặc được đi kèm với cáp động lực (cáp 6 dây).

Đối với cáp bộ mã hóa (Encoder cable) tùy thuộc vào chế tạo của mạch Encoder mà sẽ có số lượng dây tín hiệu khác nhau nhưng đặc điểm chung là được làm từ dây có bọc chống nhiễu rất tốt để giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố khác đến dữ liệu vị trí được gửi về.

3. Hệ Servo có nguyên lý hoạt động như thế nào?

Servo Motor hoạt động được khi đặt trong hệ thống Servo. Nguyên lý hoạt động của hệ Servo dựa trên hệ thống điều khiển hồi tiếp vòng kín với lượng đặt tín hiệu được gửi từ bộ điều khiển như PLC, VĐK xuống bộ Driver để xử lý. Tùy thuộc vào chế độ vận hành của hệ servo mà tín hiệu lượng đặt sẽ là dạng xung, analog hoặc digital. Bộ Driver sẽ nhận lượng đặt bên ngoài và xử lý qua thuật toán điều khiển đã lập trình để xuất các xung điện áp đã qua điều chế cho động cơ Servo để hoạt động. Trạng thái hoạt động thực tế được phản hồi từ Encoder và đo lường tại đầu ra Driver được trích mẫu và tính toán thành các đại lượng vật lý của động cơ như tốc độ trục, momen trục, điện áp, dòng điện,… 

Nếu có một nguyên nhân nào ảnh hưởng đến chuyển động và gây ra sự sai lệch vị trí và tốc độ mong muốn, cơ cấu hồi tiếp sẽ phản hồi tín hiệu về bộ điều khiển (Driver). Từ đó, bộ điều khiển Servo sẽ so sánh với tín hiệu lệnh và điều chỉnh phù hợp theo thuật toán bên trong. Nhờ đó, chúng luôn hoạt động đúng theo yêu cầu, có tốc độ và vị trí chính xác nhất.

4. Lợi ích khi sử dụng và ứng dụng của Servo Motor

Lợi ích khi sử dụng AC Servo

– Giúp điều khiển tốc độ, mô-men và vị trí với mức độ chính xác cao

– Tốc độ đáp ứng và phản hồi nhanh, gần như không có quán tính

– Hiệu suất hoạt động cao hơn 90%, hầu như không dao động và ít sinh nhiệt

– Tiết kiệm điện năng (Tiết kiệm hơn 5 – 20% điện năng so với động cơ thường)

– Hoạt động êm ái, nhẹ nhàng

– Kích thước và trọng lượng nhỏ

– Tần suất làm việc thay đổi nhanh, liên tục với tốc độ cao

– Ít bị hư hỏng.

Động cơ Servo sử dụng nhiều trong công nghiệp như máy đóng gói, máy cắt, các loại máy in, các ứng dụng thu xả cuộn, các ứng dụng cần chạy dừng đúng vị trí, dây chuyền lắp ráp, robot…

Các ứng dụng trong công nghiệp

ứng dụng của động cơ Servo
Ứng dụng của động cơ Servo trong công nghiệp

Động cơ servo được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:

– Robot công nghiệp: Động cơ servo được sử dụng để điều khiển chuyển động các cơ cấu của robot công nghiệp, như cánh tay robot, khớp nối và các bộ phận chuyển động khác.

– Máy CNC (Computer Numerical Control): Động cơ servo được sử dụng trong các trục chuyển động của máy CNC để định vị chính xác và thực hiện các hoạt động gia công.

– Máy in 3D: Động cơ servo được sử dụng để di chuyển đầu in và kiểm soát vị trí và tốc độ in 3D.

– Thiết bị tự động hóa: Động cơ servo được sử dụng trong các hệ thống tự động hóa công nghiệp để điều khiển chuyển động của các cơ cấu, băng tải, van và thiết bị khác.

Trong dây chuyền sản xuất tự động, động cơ servo dùng để bắt đầu, di chuyển, dừng các băng tải chuyển động hàng hóa qua nhiều giai đoạn. Ví dụ như: Ghi nhãn, đóng chai, đóng gói. Servo motor ứng dụng cho nhiều ngành công nghiệp như: Thực phẩm, máy in, máy cắt tạo hình, dệt may, chế biến gỗ hay CNC.

ứng dụng của động cơ Servo
ứng dụng của động cơ Servo trong dây truyền tự động hóa

– Ngành chế tạo Robot, người máy. Trong đó, servo được sử dụng tại mọi “khớp nối” của robot để thực hiện góc chuyển động chính xác của nó.

– Tính năng lấy nét tự động của máy ảnh sử dụng hệ thống servo được tích hợp trong máy ảnh. Giúp điều chỉnh chính xác vị trí của thấu kính nhằm làm sắc nét các hình ảnh bị mất nét.

– Hệ thống điều khiển từ xa, theo dõi vệ tinh hoặc chòm sao. Hệ thống Servo sử dụng để định vị góc phương vị và trục độ cao của Ăng-ten và kính thiên văn.

– Sử dụng trong hệ thống theo dõi pin năng lượng mặt trời. Dùng để điều chỉnh góc của các tấm pin mặt trời sao cho chúng đều hướng về phía mặt trời.

– Thiết bị mở cửa tự động;

– Thiết bị cắt, tạo hình kim loại để cấp cho máy phay có khả năng chuyển động chính xác.

5. Đơn vị cung cấp Servo motor uy tín, chất lượng cao

Tự Động Hóa Toàn Cầu tự hào là đơn vị phân phối chính hãng thiết bị động cơ Servo chất lượng cao. Chúng tôi chuyên cung cấp các dòng motor Servo hoạt động chính xác và hiệu quả cao như: Servo delta, Servo Mitsubishi, Servo Yaskawa, Servo Panasonic.

Các hãng động cơ Servo
Tự Động Hóa Toàn Cầu phân phối chính hãng thiết bị động cơ Servo chất lượng cao

Nếu bạn đang tìm kiếm một đơn vị cung cấp động cơ Servo chính hãng, uy tín với giá cả phải chăng thì Tự Động Hóa Toàn Cầu chính là điểm đến dành cho bạn.

Liên hệ ngay với chúng tôi để nhận nhiều tiện ích:

– Chính sách bảo hành từ 1-2 năm

– Đổi trả miễn phí

– Hỗ trợ kỹ thuật 24/24h

– Giá tốt nhất thị trường.

Mua Động Cơ Servo Ngay: https://tudonghoatoancau.com/bo-ac-servo/


Tự Động Hóa Toàn Cầu

CÔNG TY TNHH TỰ ĐỘNG HÓA TOÀN CẦU

Địa chỉ: Lô 17-F1, khu đô thị mới Đại Kim, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội ( Hồ Linh Đàm, Gần bến xe Nước Ngầm, Bến Xe Giáp Bát )

ĐT1: 0912.067.830

ĐT2:  0907.830.888

Email: toancau@tudonghoatoancau.com

Hotline đặt hàng

Liên hệ Báo Giá Nhanh hoặc tư vấn Dự Án Kỹ Thuật

(Kỹ sư giỏi hỗ trợ 24/7)

    Quý Khách hàng vui lòng điền đầy đủ các thông tin bên dưới. Sau khi nhận được thông tin, Tự Động Hóa Toàn Cầu sẽ liên hệ ngay tới quý khách!